[Dịch] Đối phó với những cơn cáu giận (ăn vạ) của trẻ

Home/Cha mẹ tích cực/[Dịch] Đối phó với những cơn cáu giận (ăn vạ) của trẻ

Link gốc: http://www.themontessorinotebook.com/dealing-with-tantrums/

 

Những cơn ăn vạ thực sự là một phần khá quen thuộc trong cuộc sống với trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5 ở các gia đình. Việc các cơn ăn vạ bắt đầu hơi muộn một chút sau 1 tuổi và sẽ kết thúc sớm là điều rất đáng mong đợi, nhưng thời điểm bắt đầu và kết thúc bất kỳ trong khoảng tuổi như trên là bình thường. Bé đang học cách hiểu rằng mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách của mình. Với tư cách là cha mẹ, chúng ta đang giúp đỡ bé học cách điều khiển những cảm xúc này cũng như cách cải thiện hành vi. 

Những cơn ăn vạ có thể làm các bậc cha mẹ mệt mỏi dẫn đến việc bạn sẽ thấy khó để nhận ra rằng bé thực sự đang tìm kiếm sự giúp đỡ của mình. Các bé bị quá tải bởi tình huống vừa xảy ra và cần sự hỗ trợ của bạn để bình tĩnh lại.

 

 Làm thế nào để giảm tránh những cơn ăn vạ? 

Hoàn toàn có thể giảm tránh những cơn ăn vạ trước khi con của bạn mất bình tĩnh. Dưới đây là một vài ý tưởng có thể tránh được những cơn ăn vạ khi bạn đã thấy dấu hiện mất bình tĩnh đầu tiên của bé:

1. Hãy chuẩn bị sẵn những thứ trẻ cần khi đi ra ngoài – một túi nhỏ với một vài trò chơi đơn giản và một chút đồ ăn vặt ưa thích của bé nếu bạn muốn bé chờ đợi kiên nhẫn ở nơi công cộng.

2. Hãy gọi tên cảm xúc của bé trong tình huống đó – Ví dụ: “Con thực muốn ở lại đây lâu hơn nhỉ”; “Con thực sự rất muốn uống nước cam ngay lúc này đấy nhỉ!”

3. Chuyển hướng sự chú ý của bé – Ví dụ:  “Mẹ không thể để con đánh anh được, nhưng con có thể đấm vào trống/gối của anh nhé”

4.  Ngồi xuống ngang tầm mắt của trẻ và trò chuyện thật bình tĩnh – “Mẹ thấy là con có vẻ khá bực. Con kể với mẹ nhé!”

5.  Nếu các bé đang vật lộn làm một việc gì đó, hãy hỏi bé xem liệu bé có cần bạn giúp đỡ không – hãy giúp đỡ bé hết sức có thể khi bé cần và sau đó lùi lại.

6. Cho bé được chọn lựa – “Con muốn đi giầy hay quàng khăn trước?”

7.  Thiết lập nếp sinh hoạt cố định – “Và sau khi ăn trưa xong con sẽ đi toa lét, đọc một cuốn sách và nghỉ trưa một lúc nhé.”

8. Hãy để bé chỉ cho bạn thấy cơn giận dữ của bé theo những cách thức sáng tạo khác nhau. “Con hãy cho mẹ biết con đang bực thế nào nhé. Đây là giấy và bút chì. Ồ, một cái vòng tròn thật lớn. Con đúng là rất bực bội nhỉ!”

 Những nguyên nhân

Có rất nhiều thứ có thể thường xuyên leo thang thành một cơn ăn vạ toàn diện. ĐÔi khi đó là bởi sự thất vọng của bé, lần khác bởi vì bé đang giận dữ hay phẫn nộ: có lúc vì bé muốn đoạt quyền kiểm soát; có thể vì bé bị hạn chế trong giao tiếp; hoặc vì bé đang mệt, đói hay phấn khích thái quá. Bé có thể nằm lăn trên sàn, đẩy người lớn ra xa, đòi đánh bố mẹ/ anh chị em/ trẻ khác hoặc thậm chí đập vỡ đồ đạc.

Việc ghi lại những nguyên nhân có thể gây ra những cơn ăn vạ của con bạn có thể rất hữu ích: chệch nếp sinh hoạt có lẽ là một nguyên nhân khá phổ biến; hoặc mẹ mới sinh em bé; chuyển nhà; hoặc một vài trẻ em nào đó bé không thích có thể khiến bé bị mất bình tĩnh.

Thậm chí đôi khi, chúng ta cũng là nguyên nhân gây ra những cơn ăn vạ khi chúng ta thông báo cho bé biết đã đến lúc rời công viên, hay cho bé ăn món bé không thích hay chúng ta muốn bé thay quần áo để ra khỏi nhà.

Việc trẻ ăn vạ hay cáu giận là hoàn toàn bình thường. Bạn hãy tìm hiểu xem bé không hài lòng ở chỗ nào thông qua những gì đang diễn ra. Và giúp bé hoàn thành những việc mà bé không thích làm. Khi chúng ta lùi lại và đầu hàng, bạn sẽ nhận thấy rằng các bé thậm chí sẽ còn la hét to hơn vào những lần sau.

Tôi rất thích lời khuyên trong cuốn sách “Kỷ luật tích cực: Giai đoạn trẻ biết đi” (Positive Discipline: Toddlers Years) :
“Nếu bạn nói thì hãy làm đúng như thế và nếu bạn làm đúng như bạn nói thì hãy luôn luôn làm với thái độ thân thiên và kiên định”

 Phương pháp thay thế phạt đứng góc  – cách giúp trẻ bình tĩnh lại

Khi bé đang ở trong một cơn ăn vạ, một vài chuyên gia khuyên rằng nên thực hiện phương pháp đứng góc hoặc vào phòng tự kiểm điểm. Tôi thấy điều này thật khó khăn vì khi bé đang tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn để bình tĩnh lại thì bạn lại rút lại sự hỗ trợ của mình và thay vào đó là phạt bé.

Khi bạn phạt trẻ, các bé thường cảm thấy tức giận với bạn hơn là cảm thấy có lỗi vì những gì bé đang làm. Hoặc các bé cố gắng tìm ra cách để thoát khỏi việc bị bắt gặp vào lần tới.

Thay vào đó, tôi tìm kiếm những cách thức có thể giúp tôi hỗ trợ bé bình tĩnh lại. Tôi không nói rằng hành vi của trẻ được chấp nhận.Nhưng khi trẻ đang ở giữa cơn cáu giận thì đây không phải là lúc bạn dạy dỗ bé bất cứ điều gì. Lúc này, bé không thể nghe thấy bạn nói gì. Vì bé đã hoàn toàn mất kiểm soát rồi.

Vậy nên chúng ta cần giúp bé bình tĩnh lại.

Một vài trẻ em sẽ đáp lại những cử chỉ âu yếm khi bé đang ăn vạ. Bạn có thể xoa lưng bé, nựng bé và hát cho bé nghe khi bạn và bé cùng vượt qua mọi cung bậc cảm xúc từ cơn giận dữ, sự thất vọng mãnh liệt, đến nỗi buồn và đôi khi cả sự hối tiếc. Một lần tôi đã phải ôm con trai mình trong 40 phút vì bé từ chối mặc quần áo. Và tôi đã quan sát con trải qua mọi cung bậc cảm xúc. Đến cuối cùng, con đã tuyên bố với tôi rằng con đã sẵn sàng để mặc quần áo. Con nói với tôi rằng con yêu tôi. Con không tức giận với tôi. Con rất vui vì tôi đã ở đó với con. Tôi biết rằng đôi khi bạn cần phải ra khỏi nhà ngay lập tức, nhưng trong trường hợp hôm đó, chúng tôi chỉ đơn giản là thay đổi kế hoạch của mình.

Một vài trẻ khác có thể sẽ đẩy bạn ra xa và không muốn được chạm vào người. Trong trường hợp này, tôi đảm bảo rằng bé an toàn và bé sẽ không thể tự làm đau chính mình hay người khác. Và tôi sẽ đứng gần đó và tiếp tục đề nghị giúp đỡ, “Mẹ sẽ đứng ở đây nếu con cần mẹ giúp để bình tĩnh lại nhé. Hoặc mẹ con mình sẽ chơi với nhau khi con sẵn sàng nhé.” Sau mỗi lần trẻ ăn vạ, tôi thích đề nghị được ôm ấp con mình. “Chuyện vừa rồi khó khăn quá con nhỉ. Và giờ con bình tĩnh lại rồi, con có muốn mẹ ôm con không?”

Nếu trẻ ném đồ chơi vào người khác hoặc cố đánh cha mẹ, tôi sẽ cách ly bé khỏi hiện trường để mọi người đều an toàn. “Mẹ không thể để con đánh mẹ được. Với mẹ an toàn rất quan trọng. Con có muốn đấm vào gối không?” Nếu bé cố làm đau em mình, bạn hãy đứng/ngồi giữa trẻ và em bé để giữ cho em bé nhỏ hơn an toàn khi bạn đang giúp trẻ bình tĩnh lại.

VỚi trẻ trên 3 tuổi, bạn nên thiết lập một “góc bình yên” mà bé có thể ở đó khi bé bực bội. Nó có thể là một cái lều với vài chiếc gối và những đồ vật con thích. Nó có thể là một góc nhà với vài chiếc tàu hỏ. Bạn có thể hỏi bé xem liệu bé có muốn đi tới “góc bình yên” của mình hay không.

Điều này hoàn toàn khác với việc cho trẻ đứng một góc hay vào phòng riêng vì trẻ có thể kiểm soát được mọi việc; bé có thể ra khỏi “góc bình yên” khi bé cảm thấy mình đã bình tĩnh. Nếu bé quay lại hiện trường mà vẫn giận dữ, tôi sẽ nhẹ nhàng bảo với bé rằng dường như bé vẫn còn cần bình tĩnh lại và sẽ quay trở lại hiện trường khi bé đã sẵn sàng.

Lời người dịch: Thật ra trong bài này, tác giả coi  TIME OUT như một hình phạt và đưa ra ý kiến phản đổi pp này. Tuy nhiên, trong một số cuốn sách nuôi dạy trẻ nổi tiếng khác vì TIME OUT hoàn toàn không phải là hình phạt và được thực hiện gần giống như gợi ý của tác giả.
Các bạn có thể tham khảo ở bên note này của mình về TIME OUT trong cuốn Raising your spirited child: https://www.facebook.com/notes/h%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%E1%BB%97/ph%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1p-timeout-g%C3%B3c-b%C3%ACnh-y%C3%AAn/10153410501064376

MÌnh thấy cách hiểu về time out của chủ nhân blog này khá giống cách hiểu của các mẹ VIệt Nam hiện tại, coi time out là hình phạt và lạm dụng quá đà.

 

 Cải thiện hành vi

Có lẽ bạn đang nghĩ rằng nếu tôi hỗ trợ bé bình tĩnh lại thì tôi đang nói rằng những hành vi của bé là chấp nhận được và tôi đang khuyến khích bé trở nên cáu giận. Thực sự là khi các bé bực bội, mục tiêu của tôi là giúp bé bình tĩnh lại.

Một khi trẻ đã bình tĩnh lại thì tôi mới giúp trẻ cải thiện hành vi. Nếu trẻ vẽ lên tường, tôi sẽ để bé giúp tôi lau sạch tường đi. Nếu bé làm hỏng đồ chơi của em mình, bé có thể giúp tôi sửa lại chúng. Tôi vừa mới đề nghị các bé giúp đỡ việc chải sạch ga trải giường khi các bé dùng bút dạ vẽ trên giường và làm bẩn ra đó.

Bằng cách này, bé học được cách chịu trách nhiệm khi làm sai.

Và khi sự việc đã qua, thì cho qua hẳn luôn.

Điều tuyệt với ở trẻ em là bé có thể chuyển đổi rất nhanh chóng từ cơn giân và nỗi buồn dữ dội sang bản tính vui vẻ vốn có của mình. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục như vậy và không để một cơn ăn vạ làm hỏng cả một ngày bằng cách cứ nói đi nói lại về nó suốt.

Một khi bé đã sửa chữa lỗi sai, hãy quên nó đi và tiếp tục các hoạt động khác bình thường.

FAQ – Hỏi & Đáp

1.  Không phải là chúng ta chỉ cần lờ cơn ăn vạ đi là xong sao? 

Tôi không thích ý tưởng lờ con mình đi khi trẻ đang ở trong một cơn ăn vạ. Bé có thể không để tôi chạm vào bé, nhưng tôi vẫn tiếp tục đề nghị hỗ trợ bé và để bé biết rằng tôi sẵn sàng ở đó khi bé cần. Chúng ta đang thể hiện cho con cái mình thấy rằng, dù tốt hay xấu thì chúng ta vẫn luôn ở đó vì bé. 

2.  Tôi phải làm gì nếu con ăn vạ ở nơi công cộng? 

 Về cơ bản, sẽ có 2 lựa chọn cho bạn: 

1.  Về nhà  – nếu bạn thấy việc để người khác soi mói bạn thật khó khăn thì tốt nhất là bạn nên rời khỏi nơi đó. 

2.  Ở lại và hỗ trợ trẻ – tôi thường thiên về lựa chọn sẽ ở lại và làm tất cả những gì cần làm dù ở bất cứ nơi đâu. Nếu bạn đi cùng nhiều hơn một bé, hãy đảm bảo rằng các bé đều an toàn. Và sau đó hãy đề nghị giúp đỡ càng nhiều càng tốt để bé bình tĩnh lại. Những người nhìn ngó sẽ thường có xu hướng nghĩ rằng bạn thật dễ thương và kiên nhẫn hơn là nghĩ tới những âm thanh khó chịu mà trẻ đang gây ra. 

3. Tôi cảm thấy mình rất khó giữ bình tĩnh, Tôi phải làm gì? 

 Nếu trẻ khiến bạn mất kiểm soát, thì việc giúp trẻ bình tĩnh lại thực sự rất khó khăn. 

*  Nếu chồng/vợ của bạn đang ở đó thì cách dễ dàng nhất là để anh/cô ấy xử lý tình huống thay bạn. 

*  Bạn có thể sẽ muốn đảm bảo rằng trẻ an toàn, và đi vào phòng tắm để hít thở sâu. 

* Tìm kiếm một câu thần chú và lặp đi lặp lại nó, ví dụ như ” Hít vào bình tĩnh. Thở ra giận dữ” 

* Remember not to take it personally. Perhaps visualise putting on a bullet proof suit that will resist everything (including words) that your child throws at you. Hãy nhớ đừng coi đó là chuyện thù hằn cá nhân. Hãy thử hình dung ra rằng bạn đang mặc một chiếc áo giáp chống đạn có thể ngăn chặn tất cả (bao gồm cả lời nói) những điều không hay bé ném về phía bạn. 

 

Comments

comments

By | 2017-04-04T07:42:24+00:00 December 25th, 2015|Cha mẹ tích cực|0 Comments

About the Author:

Mẹ Ong Bông
Xin chào các bạn đến với blog của Mẹ Ong Bông. Hi vọng blog này sẽ giúp ích được cho các bạn trong hành trình nuôi dạy con cái của mình