Chuyện bạn Sâu những ngày đầu đi học mẫu giáo và khi chuyển trường.

Home/Cha mẹ tích cực/Chuyện bạn Sâu những ngày đầu đi học mẫu giáo và khi chuyển trường.

Tuy các bài chia sẻ kinh nghiệm cho con đi nhà trẻ khá nhiều, nhưng tuần này mình vẫn muốn chia sẻ kinh nghiệm từ việc bạn Sâu đi nhà trẻ . Hi vọng các mẹ lại có thêm một số thông tin nữa để tham khảo, từ đó tìm ra cách hỗ trợ con phù hợp .

Trong Nuôi con không phải là cuộc chiến đã có 1 chương “Con đi nhà trẻ” được viết rất chi tiết từ cách chọn trường, chuẩn bị tâm lý cho mẹ, cho con và chuẩn bi đồ dùng đi học cho con. Bạn nào có thể mua Nuôi con không phải cuộc chiến để đọc cho kĩ nhé: http://tiki.vn/nuoi-con-khong-phai-la-cuoc-chien-p111521.html?ref=c316.c862.c866.c2527.&src=search&q=Nu%C3%B4i+con+kh%C3%B4ng+ph%E1%BA%A3i+l%C3%A0+cu%E1%BB%99c+chi%E1%BA%BFn

 

I. Thời gian mới đi học.
1. Thời điểm cho con đi học:
Nhà mình cho con đi học khi con gần 18 tháng tuổi. Theo như các chuyên gia thì không nên cho con đi học vào giai đoạn chuyển đổi tâm sinh lý như 1.5 tuổi, 2 tuổi, 2.5 tuổi… vì giai đoạn đó là giai đoạn con đang khủng hoảng rất dễ mất cân bằng tâm lý. Nên cho con đi sớm hơn hoặc muộn hơn.

2. Hiểu tính khí của con.
Điều đầu tiên giúp cho việc đi học dễ dàng hơn đấy là bạn nên hiểu rõ  tính khí của con. Theo mình đây là một bước rất quan trọng để quyết định cách hỗ trợ con phù hợp. Có những bạn thuộc tính cách dễ  thì thật sự rất dễ , bạn chỉ khóc vài ba ngày rồi nín, nhưng có những bạn thì cực kỳ khó, đi học khóc kinh khủng và còn bị tâm lý sợ hãi khi ở nhà, có bạn dù đi học đã quen, học ở trường rất ngoan nhưng cứ buổi sáng khi từ nhà đến trường là khóc…. Tất cả những biểu hiện này đều thuộc về phạm trù tính khí.
Tính khí của bạn Sâu: Em bé Spirited -“Khó” :  Thích nghi chậm, chuyển đổi chậm
Nhiều năng lượng.
Thiếu độ tập trung.
Ăn tốt, ngủ tốt. Đã có thể tự xúc ăn vào thời diểm đi học, tự ngủ.

3. Điều chỉnh về cùng nhịp sinh hoạt với trường. 
– Sau khi đã chọn được trường, bạn hãy điều chỉnh lịch sinh hoạt của con phù hợp với lịch ở trường nhưu vậy thì khi đi học con dễ thích nghi hơn. Đa số các trường ở HN hiện nay có lịch như sau:
8h: ăn sáng
9h00: Uống sữa
10h30: Ăn trưa
11h30: Ngủ
14h30: Ăn chiều
15h30: Uống sữa

Với lịch như này thì khá là dày so với lịch sinh hoạt của các bé BLW (thường chỉ có 4 bữa/ngày cả sữa) cho nên bạn chủ yếu chỉ cần điều chỉnh lịch ngủ và thời gian ăn trưa thôi, còn thời giăn uống sữa vs ăn chiều thì cứ để con đi học sẽ tự thích nghi được.

– Thời điểm bạn Sâu mới đi học thì bạn học trường quốc tế nên lịch nhẹ nhàng hơn và gần giống lịch sinh hoạt ở nhà của bạn nên mình hầu như không phải điều chỉnh gì nhiều,trừ thời gian ngủ vì ở nhà bạn Sâu đi ngủ muộn hơn chút.
8h: Ăn sáng
12h: Ăn trưa
14h30: Ăn chiều

4. Cho con tới làm quen với trường. 
– Tùy thuộc vào tính khí của con mà thời gian bạn cho con làm quen trường là lâu hay nhanh, càng là những bé có tính thích nghi kém, chuyển đổi chậm thì càng cần cho con làm quen tiếp xúc với trường, với cô nhiều hơn. Cho con đến vào nhiều khung thời gian trong ngày : sáng, chiều, giờ ăn trưa, giờ ăn chiều, vừa để quan sát cách cô tiếp cận với các bạn vừa để con làm quen với các khung thời gian ở trường/
– Xin ảnh của cô và các bạn trong lớp hoặc xin chụp ảnh cô và các bạn về nhà và chỉ tên từng bạn, chỉ tên cô giáo cho con.
1084466_10201502455824322_601419931_o
5. Chuẩn bị tâm lý cho con. 
Thời gian vừa cho con đi làm quen thì cũng vừa chuẩn bị tâm lý cho con ở nhà, cho con tự chọn ba lô đi học (về sau trường phát đồng phục thì bạn í chỉ thích ba lô của trường thôi vì giống các bạn mà), tự chọn quần áo để cho vào ba lô mang đi.
Kể chuyện cho con nghe về các em bé lớn cần đi học, không phải lúc nào cũng ở nhà với mẹ nữa, nếu tìm được truyện tranh càng tốt nếu không có thể tự làm một cuốn sách tranh cho con. Kể chuyện cho con mỗi tối , trước khi đi ngủ, kể bằng giọng vui vẻ, thoải mái.
Luôn tỏ thái độ tích cực và hào hứng khi nhắc đến chuyện đi học của con, tuyệt đối không được lo lắng hay thương con mà ôm con rồi khóc vì làm như thế bé sẽ cảm nhận được và càng nghĩ việc đi học là việc gì kinh khủng lắm nên mẹ mới phải khóc.
Bé càng chuyển đội chậm, thích nghi kém và nhạy cảm thì bước này càng phải tiến hành từ từ và chậm.

6. Cho con đến trường. 
Trước ngày con đi học cho con qua trường tham quan lần cuối với thái độ hào hứng, về nhà nói chuyện với con rất hào hứng ví dụ như ” ôi mai Sâu được đi học rồi đấy, thích quá. Sâu được học với cô giáo, với các bạn này. Mẹ muốn đi học quá mà chẳng được đi. Sâu còn được chơi bao nhiêu là đồ chơi mới này. Thích quá là thích” . Trước khi đi ngủ thì nói ” Sâu ngủ nhé, ngủ sớm mai còn dậy sớm đi học . Đến trường được ăn sáng ngon lắm í” (Tham ăn mà nên cứ ăn là thích, mẹ cứ tìm điểm nào hấp dẫn con ở trường mà vin vào hứa hẹn thôi) và không quên dặn con ” Ngày mai Sâu đến trường chơi với các cô và các bạn nhé, bố mẹ đưa con đi học rồi bố mẹ sẽ đi về, đến chiều khi con ngủ dậy, ăn chiều xong mẹ sẽ đến đón con nhé) (Hứa hẹn thời gian đón thật cụ thể vào, càng cụ thể càng tốt) .
TUYỆT ĐỐI KHÔNG NHẮC ĐẾN TỪ KHÓC NHÉ, ĐỪNG DẶN CON LÀ CON ĐỪNG KHÓC NHÉ MÀ DẶN CON NGOAN, CHƠI VUI VỚI CÁC BẠN THÔI.
Sáng hôm con đi học gọi con dậy, bật nhạc hat hò tưng bừng vào mấy bài liên quan đến đi học í, vừa chuẩn bị cho con bố mẹ vừa hô hào ” Ôi Sâu sắp được đi học rồi, vui quá, thích quá . Cả nhà mình cùng đến trường thôi” và lại tiếp tục dặn dò ” Sâu đến trường ăn sáng ngoan , chơi vui với các bạn nhé, bố mẹ đưa Sâu đến trường rồi bố mẹ phải đi về thôi. Trưa con ngủ ở trường, ăn chiều xong mẹ sẽ đến đón con nhé” (hứa càng cụ thể giờ đón càng tốt, để con có thể hình dung được là mẹ sẽ đến đón lúc nào ấy). Lời hứa là rất quan trọng vì một trong những lí do các con khóc khi đến trường là vì nghĩ rằng mẹ bỏ con lại và không biết rằng mẹ có quay lại để đón mình nữa không.
NGoài cách này mình thấy có bạn còn dùng cách bỏ đồng hồ báo thức vào ba lô của con, dặn con là khi nào đồng hồ kêu thì mẹ đến đón, nhưng thế phải căn thời gian chuẩn lắm, chứ lỡ đồng hồ kêu lâu rồi mẹ mới đến thì cũng dở nhỉ.
KHi đến cổng trường mình đưa con cho cô, tạm biệt con và hứa với con 1 lần nữa rồi mình đi về luôn , chỉ nói 1 câu ngắn gọn thôi rồi đi luôn và ngay, để bố bạn vào ngồi cùng bạn. Bố ngồi cùng đến khi bạn ăn sáng xong thì bố cũng dặn dò bạn, rồi cũng đi về luôn.
Lúc đầu chưa nhận ra là bố mẹ về rồi đâu, chơi vui vẻ lắm lắm luôn, đến khi nhận ra thì vẫn khóc, khóc thôi rồi , cô phải bế suốt. Đến giờ ăn trưa bỏ ăn luôn. Đến giờ ngủ cô mang chăn yêu thích của bạn mà bố mẹ chuẩn bị cho bạn ra bạn mới bình tĩnh lại, ôm chăn, mút tay và nằm yên lặng bên cạnh cô. MÌnh thấy cách mang một đồ vật yêu thích đi như mang chăn cho bạn Sâu là rất hứu ích với bạn, chăn giúp bạn bình tĩnh và an tâm hơn rất nhiều , bạn cũng không có phản ứng mạnh khi cô cất chăn đi. Những buổi hôm sau nếu cô thấy bạn có dấu hiệu khó chịu về tâm lý cô lại mang chăn ra cho bạn ôm một chút bạn liền dễ chịu ngay.
Tuy nhiên có nhiều bạn nếu thấy “đồ cưng” của mình là ôm khư khư không chịu tham gia hoạt động gì hết theo mình nghĩ là do bố mẹ để bạn ôm từ nhà cho đến trường mà không cất vào túi nên bạn không chịu cho cô cất đi.
Đến chiều, bạn quen hơn nên chịu ăn một chút nhưng ăn xong lại mếu máo khóc dù không dữ dội như các bạn và vẫn bắt cô bế. Mẹ đúng như lời hứa đến đón bạn sau khi bạn ăn chiều xong. Mẹ ở lại lớp một lúc để hỏi chuyện cô, và để làm quen với các bạn trong lớp, chụp ảnh bạn để khi về nhà còn kể chuyện cho bạn nghe.
Sở dĩ mình không cho bạn đi học nửa buổi vì mình cho con đi tham khảo một vài trường các cô đều nói khi cho con đi học sang buổi chiều thì sáng tuy con khóc nhưng chiều con bắt đầu quen quen hơn và sẽ chịu tiếp nhận trường và cô hơn. Ngoài ra thì có một số bạn sau khi quen mẹ đón ở trường buổi trưa, đến lúc phải đi học cả buổi ở trường là cứ đến h ngủ trưa là ra ngóng mẹ, không chịu đi ngủ. MÌnh nghĩ với bạn thích nghi chậm như bạn Sâu thì việc cho đi cả ngày là phù hợp.
1184568_10201663673094653_1588053796_o
7. Sau khi về nhà ngày đầu tiên.
Do tầm đó bạn Sâu vẫn chưa nói được mấy nên hầu như chỉ có mẹ nói chuyện với bạn về ngày đầu tiên của bạn, rồi kể với bạn khi bạn không có ở nhà thì mẹ làm gì, bố làm gì. Mẹ cũng cho bạn xem ảnh các bạn ở lớp, rồi chỉ tên từng bạn. Mẹ cũng thưởng cho bạn đi ăn kem vào ngày hôm đó và khen bạn đã rất dũng cảm vượt qua ngày đầu tiên không có mẹ bên cạnh. MẸ luôn dùng giọng điệu vui vẻ, và hào hứng khi nói chuyện với bạn.
– Bạn Sâu được cái trộm vía về nhà vẫn ăn ngủ bình thường không có dấu hiệu khóc lóc hay lo sợ gì cả cho dù có bám mẹ hơn so với bình thường. Mẹ tiếp túc làm công tác tư tưởng như các hôm trước, cùng bạn chuẩn bị đồ đi học, kể chuyện, hát, nói về chuyện ở trường và hứa với bạn thời gian đón bạn và sau đó sẽ làm gì.
Ngày thứ 2 tinh thần bạn tốt hơn rất nhiều và sau khi đi học được 3 ngày thì bạn đã quen quen với trường thì trường lại nghỉ vì có dịch tcm, tuần sau đi học lại dù bạn phải làm quen lại lần nữa nhưng lần này bạn chỉ khóc buổi sáng hôm đầu tiên sau đó là thôi và quen nhanh hơn tuần 1. ĐI học 2 ngày lại nghỉ tiếp 5 ngày vì trường lại đóng cửa vì có dịch tcm, lần thứ 3 bạn đi học lại, làm quen lại lần 3 mẹ lo lắng vô cùng ấy mà trái ngược hẳn với nỗi lo của mẹ, bạn chỉ khóc lúc cô đón tay sau đó vào giờ học là chơi ngoan và không khóc tí nào.
– Khoảng  gần 2 tuần sau khi đi học lần 3  thì bạn đã hòa nhập với cô và các bạn hoàn toàn , rất yêu cô, mẹ đón không về , hào hứng đi học và sau 3 tuần thì lúc đi học đến lớp gặp cô thì không còn mếu máo nữa.
1484473_10202387220502886_1756507626_o

II. Chuyển trường cho bạn Sâu. 
Do một số lí do cá nhân nên nhà mình quyết định chuyển trường cho bạn Sâu sau khi bạn học ở trường cũ được gần 1 năm. Lần này có kinh nghiệm từ lần trước và do bạn Sâu quá yêu trường và cô giáo cữ cho nên mình cho bạn đi làm quen với trường trước tận 3 tuần. Tuy nhiên khi đi học bạn vẫn khóc rất nhiều và mất khoảng hơn 1 tháng mới hòa nhập được với môi trường mới, nhất là ngày đầu tiên đi học trường mới bạn khóc nhiều kinh dị , đến nỗi cô giáo phải sợ vì chưa thấy bạn nào phải ứng dữ dội như thế. Ở nhà mọi sinh hoạt của bạn vẫn bình thường.
Khi đi học được khoảng 5 ngày thì mình cho về trường cũ thăm lại trường , sau đso đi thăm cô giáo cũ của bạn (cô giáo mà bạn yêu quý vô cùng) thì tuần sau đi học mình thấy tinh thần bạn có khá hơn. MÌnh cũng xin cô ảnh của các bạn về và cho bạn học thuộc tên cô, tên các bạn, sau đó khi đón bạn mình cố nán lại ở lớp lâu hơn để chơi cùng các bạn . MÌnh cũng cố gắng động viên bạn rất nhiều. Bạn đi học được 10 ngày thì không còn phản ứng mạnh nhưng ở trong lớp vẫn có đôi khi tự nhiên khóc, mếu máo và bám cô. Thời gian này mẹ đành hết sức kiên trì thôi bởi vì bạn ý nhạy cảm mà lại thích trường cũ vô cùng, cách tiếp cận của 2 trường cũng hoàn toàn khác nhau nên thời gian đầu bạn í cảm thấy bị ngợp và không quen.
Bạn Sâu dù đã quen trường nhưng buổi sáng đi học vẫn còn mếu máo khóc lúc cô đón, nhất là hôm nào có mẹ đi cùng, dù lúc í bạn đã học ở trường được hơn 2 tháng rồi. Tầm đó cũng là lúc mình đang đọc quyển raising spirited child thì tác gỉa có nói rằng những bạn mà đi học vui vẻ nhưng buổi sáng đi học vẫn khóc là do chuyển đổi quá chậm mà bước chuyển đổi từ ở nhà sang ở trường là bước chuyển đổi lớn. Tác giả khuyên nên làm như sau:
– Làm 1 bảng thứ tự các công việc cần làm buổi sáng bằng tranh màu, dán ở chỗ bé dễ nhìn thấy, chỉ cho bé lần lượt những việc mình cần làm vào buổi sáng như ngủ dậy —> đánh răng —> rửa mặt —> mặc quần áo —> đi xe máy đến trường —-> gặp cô —> tạm biệt bố mẹ. Sau mỗi hoạt động thì lại có thể đánh dấu hoặc nhắc bạn là đã đến hình nào hình nào rồi, và sau đso nhắc bạn biết hoạt động tiếp theo cần làm là gì. Đây là cách để các bé chuyern đổi chậm biết trước được tiếp theo mình cần làm gì và chuẩn bị tinh thần.
– Mình áp dụng với bạn Sâu và thấy khá hiệu quả nhưng chỉ những hôm đi học với bố thôi, có cả mẹ đi cùng vẫn mếu máo như thường  dù đi học ở trường đến 3,4 tháng rồi. Đợt này chuyển sang cơ sở khác học tạm thì bạn lại hoàn toàn không khóc tí nào, đến trường đeo ba lô đi vào trường. Đến lúc này mình mới nhận ra là do khoảng thời gian bạn í chuyển đổi từ nhà đến trường quá ngắn , vì từ nhà mình đến trường của bạn mất có 5 phút thôi, trước tuy học trường cũ gần nhà nhưng mà đi bộ nên bạn có nhiều thời gian chuẩn bị tinh thần, đợt này đi học xa hơn, thời gian chuẩn bị dài hơn nên nó đủ đẻ bạn không cảm thấy khó khăn khi chuyển hoạt động nữa.
– Duy chỉ có 1 vấn đề mình vẫn không thể nào lý giải nổi là trước đây khi học trường cũ bạn Sâu ngủ rất tốt, nhưng khi đi học trường mới thì ngủ trưa rất thất thường, lúc ngủ tốt lúc lại chẳng ngủ gì cả. Ai có cao kiến gì không nhỉ ?
1510979_636119889847558_3261518327380135681_n
III. Kết luận. 
– Tùy vào tính cách của từng bé mà bố mẹ tìm ra pp hỗ trợ con phù hợp ví dụ như con bạn lại thích nghi rất tốt, đến trường quen luôn, có bạn lại vui vẻ khi có mẹ học cùng thời gian đầu, có bạn thì lại giống như bạn Sâu .
– MÔi trường sống cũng rất quan trọng những bạn tự lập từ bé tự ăn tự ngủ thì sẽ dễ thích nghi hơn những bạn còn phải phụ thuộc nhiều vào mẹ, nhất là những bạn ngủ phải có mẹ ru, nghiện ti mẹ để ngủ hoặc ăn uống thất thường đi học cũng sẽ khó hơn các bạn khác.
– Với bạn Sâu thì việc mang “vật cưng” là chăn của bạn rất phù hợp để giúp bạn bình tĩnh và cảm thấy an toàn.
– Luôn có thái độ thật vui vẻ, lạc quan và háo hứng với việc đi hoc để bạn hiểu đi học thật vui , thật hay ho. Nhiều lúc bạn không hư hoặc bạn ỉ ôi trước khi đi học mẹ đều nói là con thế thì ” KHÔNG ĐƯỢC ĐI  HỌC NỮA”, nếu cuối tuần nghỉ học thì mẹ lại bảo ” ÔI hôm nay SÂU bị nghỉ học rồi, không được đi học rồi, chán quá” để bạn tháy hóa ra đi học là cái được là quyền lợi của bạn
DSC08565

 

Comments

comments

By | 2023-03-17T16:58:17+00:00 January 28th, 2015|Cha mẹ tích cực|0 Comments

About the Author:

Mẹ Ong Bông
Xin chào các bạn đến với blog của Mẹ Ong Bông. Hi vọng blog này sẽ giúp ích được cho các bạn trong hành trình nuôi dạy con cái của mình